Ý kiến
Việt Nam
Câu chuyện người bệnh
Khi ông Trần Hữu Phương năm nay 73 tuổi về hưu cách đây 20 năm, ông dành phần lớn thời gian của mình cho thú vui từ trước đến nay của ông – đó là câu cá ở một dòng sông ngay cạnh nhà ông tại thành phố Hồ Chí Minh.
Hai cô con gái và hai cậu con trai của ông đã trưởng thành. Bởi vậy, ông Trần, trước đây là kỹ sư xây dựng cho một công ty sản xuất xi măng, có thể dành hàng giờ câu cá bên bờ sông. Thậm chí cơn đột quỵ nhỏ xảy ra vài năm trước đây cũng không thể ngăn ông khỏi bờ sông để câu cá. Người con trai 32 tuổi của ông, Trần Phương Luân, một kỹ sư phụ trách khu vực tại Singapore của một công ty thiết bị y tế, nói: "Lúc nào ông cũng câu cá. Bố tôi nghiện câu cá".
Nhưng thật không may, câu cá không phải là thú vui duy nhất của ông Trần. Ông ấy là người nghiện thuốc lá nặng trong nhiều năm. Mặc dù ông ít khi đau ốm nhưng hậu quả của nhiều năm hút thuốc góp phần gây ra những cơn đau ở ngực của ông vào tháng 5 năm 2007.
Phương Luân kể lại: "Bố tôi ôm lấy ngực và mặt tái xanh. Ông ấy cố bước đi nhưng không thể đứng thẳng được. Tất cả chúng tôi đều bàng hoàng lo lắng vì chưa bao giờ thấy ông bị như vậy. Ông luôn là một người khỏe mạnh".
Gia đình ông Trần nhanh chóng đưa ông đến trung tâm y tế của thành phố, nơi các bác sĩ tiến hành khám và đưa ông đi chụp cắt lớp (CT). Kết quả chụp cắt lớp cho thấy ông có một cục máu đông trong não. Xét nghiệm chụp cộng hưởng từ - MRI - và siêu âm cũng khẳng định kết luận này, và còn phát hiện thấy ông có vấn đề ở động mạch cảnh bên phải (một trong hai mạch máu chính cung cấp ô-xy cho đầu và cổ) và động mạch chủ (động mạch lớn nhất trong cơ thể).
Tình hình đó không khả quan chút nào đối với ông Trần. Các bác sĩ ở Việt Nam khuyến cáo rằng ông có thể bị một cơn đột quỵ lớn và nó sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng cho ông Trần, thậm chí có thể gây tử vong. Phẫu thuật là lựa chọn duy nhất nhưng bác sĩ còn lưỡng lự vì tuổi ông đã cao. Phương Luân thừa nhận: "Trong bất kỳ trường hợp nào, nếu họ nhất trí cần phẫu thuật thì chúng tôi cũng không muốn tiến hành phẫu thuật ở đó. Mặc dù họ có thiết bị chẩn đoán nhưng cơ sở vật chất và trình độ chuyên môn để thực hiện một phẫu thuật phức tạp như thế lại là một chuyện khác. Chúng tôi cảm thấy không chắc chắn, không yên tâm".
Không do dự
Trước đó hai năm, mẹ của họ đã điều trị thành công bệnh đại tràng ở Singapore. Bởi vậy, Phương Luân tìm hiểu khả năng chuyển trường hợp của bố anh đến một bác sĩ ở đảo quốc này. Anh chia sẻ: "Bác sĩ ở Việt Nam rất nhiệt tình giúp đỡ và sẵn sàng đề nghị thu xếp cuộc hẹn với một chuyên gia phẫu thuật Singapore rất nổi tiếng trong lĩnh vực này. Thật ngẫu nhiên, bác sĩ này cũng làm việc tại Bệnh viện Đại học Quốc gia (NUH), nơi mẹ tôi từng điều trị trước đây".
Phương Luân ngay lập tức thu xếp để bố của anh gặp Bác sĩ Ngoại Lồng ngực, Giáo sư Lee Chuen Neng, Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực và Chuyên gia Tư vấn Cao cấp thuộc NUH.
Cuối tháng 6, cùng với rất nhiều hồ sơ bệnh án, Phương Luân đưa bố đến Singapore để gặp Giáo sư Lee. Cùng đi với họ còn có con gái cả của ông Trần, chị Trần Thị Phương Khanh.
Cân nhắc rủi ro
Điều đầu tiên Giáo sư Lee muốn bảo đảm là tình trạng của ông Trần đúng như mô tả trong các hồ sơ được cung cấp cho ông. Ông đề nghị: "Ngoài những xét nghiệm thông thường, chúng tôi cần kiểm tra liệu bệnh nhân có đủ điều kiện phẫu thuật hay không và xem xét mức độ an toàn của ca mổ này. Bởi vậy chúng tôi kiểm tra tim và chụp động mạch đồ để xác định các chỗ nghẽn".
Trong quá trình kiểm tra, Giáo sư Lee phát hiện thấy bốn trong số những động mạch chính cung cấp máu cho cơ tim của ông Trần bị nghẽn từ 75 đến 100%. Ngoài ra, thành trong của động mạch chủ bụng của ông Trần có túi phình dọa vỡ.
Giáo sư Lee, người được đào tạo tại Bệnh viện Mayo của Mỹ, giải thích: "Rõ ràng là ông ấy bị chứng phình động mạch chủ bụng (AAA) và suy vành. Kích thước của túi phình lên tới 5,6 cm". Theo ông, bất kỳ túi phình nào lớn hơn 5 cm đều có nguy cơ cao hơn nếu không tiến hành phẫu thuật để khắc phục. Nếu túi phình bị vỡ, bệnh nhân sẽ tử vong trong vòng ba đến bốn phút.
Giáo sư Lee khẳng định: "Ông Trần bị tổn thương ở não nhưng là tổn thương nhỏ. Bởi vậy, cho dù phẫu thuật có rủi ro, chính xác là khoảng năm phần trăm, nhưng còn đỡ rủi ro hơn phương án chỉ cho ông dùng thuốc. Nếu áp dụng phương án chỉ dùng thuốc, cơ may sống sót được vài tháng của bệnh nhân là rất thấp. Còn phẫu thuật rất có thể sẽ kéo dài cuộc sống của ông thêm mười năm nữa hoặc nhiều hơn".
Thời khắc nghẹt thở
Phương án ban đầu là sẽ tiến hành hai quy trình nối tiếp nhau. Ông Trần cần một phẫu thuật để điều trị chứng phình động mạch chủ bụng và một phẫu thuật khác ngay sau đó để giải phóng những động mạch bị nghẽn.
Tuy nhiên, khi có được thông tin chính xác hơn về các chỗ nghẽn, phương án này không còn tối ưu. Giáo sư Lee quyết định khoảng thời gian giữa hai quy trình là hai tháng – trước hết, phẫu thuật bốn động mạch bị nghẽn và sau đó khắc phục chứng phình động mạch chủ.
Giáo sư Lee giải thích rõ hơn: "Mục đích của việc này là nhằm kéo dài tuổi thọ và đảm bảo bệnh nhân có đủ sức khỏe để tiếp tục ca mổ thứ hai điều trị chứng phình động mạch chủ bụng". Phương án đặt stent bị loại trừ vì một trong bốn mạch máu bị nghẽn 100% nên stent không thể đi qua. Bởi vậy, phẫu thuật bắc cầu mạch vành (CABG) được xem là lựa chọn tối ưu nhất.
Ca mổ tim hở kéo dài bốn tiếng. Giáo sư Lee phải điều chỉnh lại hướng cung cấp máu từ bốn động mạch bị nghẽn bằng cách sử dụng một đoạn ghép để bắc cầu cho máu chảy đến tim. Vào những thời điểm nguy kịch trong quá trình phẫu thuật phức tạp này, tim ông Trần ngừng đập khoảng 72 phút. Bác sĩ phải sử dụng máy tim phổi nhân tạo để thay cho tim phổi của bệnh nhân và đảm nhận chức năng bơm máu và cung cấp ô-xy
Phẫu thuật không gặp phải vướng mắc nào và một tuần sau đó, mặc dù vẫn còn yếu nhưng ông Trần đã có dấu hiệu hồi phục nhanh hơn mong đợi. Ông Trần cho rằng đó là nhờ "chất lượng chăm sóc điều dưỡng tuyệt vời" dành cho ông tại Phòng Chăm sóc Tăng cường trong ba ngày ông ở đây. Ông tiếp tục ở lại bệnh viện thêm hai tuần nữa để phục hồi trước khi được xuất viện.
Con đường phía trước
Mặc dù ông Trần vẫn chưa hồi phục hoàn toàn và cần lên bàn mổ một lần nữa vào hai tháng tới để điều trị chứng phình động mạch nhưng Giáo sư Lee tin tưởng rằng ông Trần sẽ còn nhiều năm tháng tốt đẹp ở phía trước.
Giáo sư Lee tiết lộ: "Nhìn chung, những biến chứng có thể phát sinh sau phẫu thuật bắc cầu mạch vành có thể dẫn tới tử vong, bao gồm đột quỵ, nhiễm trùng, khó thở và rối loạn nhịp tim. Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra những biến chứng này rất thấp. Hơn nữa, trong trường hợp phẫu thuật phẫu thuật bắc cầu mạch vành (CABG) không cấp thiết như của ông Trần, có đến 98-99% thành công". Trước đó, Giáo sư Lee cũng đã kéo dài thêm bảy năm tuổi thọ cho một bệnh nhân 92 tuổi.
Tuy nhiên, ông Trần cần bảo đảm rằng ông sẽ phải thay đổi lối sống, đặc biệt là từ bỏ thói quen hút thuốc. Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc chứng xơ vữa động mạch, là tình trạng cholesterol lắng đọng ở thành động mạch.
Con gái ông Trần chia sẻ: "Cha tôi thực sự biết ơn Giáo sư Lee và những bác sĩ và y tá khác tại NUH vì ông đã được chăm sóc rất tốt. Mọi chuyện đều được giải thích rõ ràng và khiến chúng tôi an tâm. Kể cả các y tá cũng giúp cha tôi hiểu rõ ông cần phải làm gì để giữ sức khỏe".
Cô nói thêm: "Chúng tôi đến Singapore với tâm trạng lo lắng, nhưng hiện tại chúng tôi rất vui mừng vì ông đang khá dần lên. Ông đang dần lấy lại cảm giác ngon miệng và sẽ khỏe hơn".
Ông Trần bày tỏ qua lời dịch của con trai ông: "Họ làm việc rất có tổ chức, hiệu quả và họ đã mang đến những điều kỳ diệu. Tôi mong một ngày nào đó, Việt Nam cũng đạt được trình độ chuyên môn như vậy". Với niềm tin và hi vọng, ông Trần đang mong ngày trở lại Singapore để thực hiện ca mổ lần thứ hai
Từ lưỡi hái của tử thần, ông Trần giờ đây đang dự định trở lại bờ sông câu cá. Mặc dù ông vẫn biết mình phải chờ một thời gian để phục hồi sức khỏe hoàn toàn, và rõ ràng là ông cũng biết những chú cá sẽ chờ đợi ông trở về.
Nguyên bản tiếng Anh